Dù đứng lớp suốt 29 năm qua nhưng ông bà chưa một lần được nghe tiếng gọi “thầy cô”. Thay vào đó, hàng chục thế hệ học trò thường nhắc đến ông bà giáo già với tên thân mật là ông bà Tư.
Trở thành những giáo viên “bất đắc dĩ”, vợ chồng ông Tư chèo lái lớp học Tân Lập này suốt 30 năm chỉ bằng tình thương dành cho trẻ em nghèo. Mảnh đất Tân Lập ngày trước vốn là một ấp nhỏ, nằm giáp ranh giữa TPHCM và Bình Dương.
Với mong ước tạo dựng cuộc sống mới khấm khá hơn, nhiều gia đình dắt díu nhau rời quê đến đây để mưu sinh bằng nghề công nhân, làm việc tại các lò gạch và khu công nghiệp. Do công việc và thu nhập bấp bênh, đời sống khó khăn nên việc học của con cái cũng ít được cha mẹ quan tâm.
Lúc bấy giờ, ông Tư được một công ty nhận vào làm bảo vệ, canh giữ 4 mẫu đất ở ấp Tân Lập. Dù cùng xuất thân từ gia đình không mấy khá giả, nhưng ông may mắn hơn mấy đứa trẻ ở khu lò gạch này vì biết đọc, biết viết. Xuất thân là học viên lớp bình dân học vụ, hơn ai hết, ông Tư hiểu được cái khổ của “nạn dốt”. Mỗi khi nhìn thấy tụi nhỏ, mong muốn “gieo chữ” lại theo đó mà lớn dần trong suy nghĩ.
Cho đến một ngày, ông Tư bàn với vợ mở lớp học tình thương để mấy đứa nhỏ vừa có nơi để học chữ, vừa không phải lêu lổng, nghịch ngợm. Bà Tư vốn là giáo viên tiểu học nhưng sau khi lập gia đình, kinh tế khó khăn, phải từ bỏ bục giảng để đi làm công nhân. Thế nên, khi nghe lời đề nghị của chồng, bà không chần chừ mà đồng ý ngay.
Tháng 8/1994, căn chòi bảo vệ lụp xụp, ọp ẹp của ông Tư trở thành lớp học tình thương và chính thức đón lứa học trò đầu tiên. Cũng từ đó, sự nghiệp “cầm phấn” gắn liền với cuộc đời của vợ chồng ông, từ lúc đầu bạc hoa râm tới khi tóc phủ màu phấn trắng.
Thuở mới lập lớp, khó khăn trăm bề. Dẫu đã qua bao nhiêu năm tháng, ông Tư vẫn nhớ như in những ngày thiếu thốn ấy: “Hồi đó, lớp học làm gì khang trang như bây giờ. Hai vợ chồng phải đi xin từng tấm ván, miếng gỗ rồi mua đinh, mua cưa về tự đóng thành cái bàn thấp để kê tập viết. Mấy đứa nhỏ thì ngồi bệt dưới đất để học chứ cũng chẳng có ghế”.
Từ đồng lương bảo vệ ít ỏi, mỗi tháng, ông bà lại tích cóp một ít để dành mua tập viết, bút phấn, sách giáo khoa cho tụi nhỏ. Ban đầu, lớp học chỉ vỏn vẹn vài ba đứa nhưng rồi tiếng lành đồn xa, sĩ số ngày càng đông, có khi lên đến cả trăm em.
Số buổi dạy cũng theo đó mà tăng lên thành 3 ca: Sáng, chiều và tối, chiếm gần hết quỹ thời gian trong ngày của hai vợ chồng. “Nếu dạy vào ban ngày thì chỉ có mấy đứa nhỏ chưa phải đi làm mới theo học được. Còn các cháu lớn, đứa phải theo cha mẹ mưu sinh, đứa ở nhà chăm em, chỉ rảnh được mỗi buổi tối nên vợ chồng cũng ráng dạy thêm mấy đứa được biết chữ như người ta”, ông Tư giải thích.
Đến năm 2001, lớp học được hỗ trợ di chuyển sang mảnh đất rộng hơn với 2 phòng học riêng biệt. Thế nhưng, cơ sở vật chất lúc đó cũng chưa thực sự hoàn thiện như ý nguyện của ông Tư.
Nghĩ là làm, với đồng lương bảo vệ mỗi tháng chỉ ngót nghét 2 triệu đồng, ông dành phân nửa số tiền đó trả góp trong 40 tháng để mua vật liệu xây dựng về tu sửa, gia cố lớp học. Cùng lúc đó, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn tặng cho ông Tư mấy bộ bàn ghế và 2 cái bảng xanh. Đoàn sinh viên tình nguyện cũng góp sức vẽ tranh trên các bức tường xung quanh lớp học. Cũng nhờ đó mà lớp học khang trang hơn trước.
Dẫu là lớp học tình thương, song, ông bà Tư vẫn soạn giáo án và dạy theo chương trình sách giáo khoa hẳn hoi với sự hướng dẫn và quản lý của phòng giáo dục địa phương.
Nhờ đó, nhiều đứa trẻ “tốt nghiệp” từ mái trường này vẫn có thể tiếp tục lên lớp ở trường chính quy khi gia đình có đủ điều kiện. Còn nhớ những năm chưa ngã bệnh, bà Tư đều đặn “dắt” từng lứa học trò đến Trường Tiểu học Đông Hòa xin nhập học, để con đường học vấn của các bé không chỉ dừng lại ở lớp 4.
THÔNG TIN LIÊN LẠC:
Địa chỉ: gần đường Quảng trường Sáng Tạo, khu ĐH Quốc Gia TPHCM, ấp Tân Lập, Đông Hòa, Dĩ An, Bình Dương
Điện thoại: liên hệ UBND xã Đông Hòa 0274 3751 339
SFC Charity