Cơ sở An Phúc (TP Hồ Chí Minh) là nơi nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật. Những khiếm khuyết, tật nguyền không làm các em mất niềm tin và chùn bước trong cuộc sống. Trong đại gia đình ấy, các em đã vươn lên bằng chính nghị lực của mình, làm những điều có ích cho xã hội.
Giám đốc cơ sở là ông Trần Hữu Quang được mọi người gọi thân mật bằng ‘bố’ Quang. Ở cơ sở của ‘bố’ Quang, các thành viên ở nhiều độ tuổi, nhiều miền quê khác nhau nhưng luôn yêu thương đùm bọc như anh em ruột thịt trong nhà. Những em mới về đây chung sống luôn được các anh chị hướng dẫn tận tình.
Chị Hà Thị Hồng Hiệp, quê Bình Thuận, là nạn nhân chất độc da cam theo ‘bố’ Quang từ những ngày đầu mới thành lập cơ sở. Mang trong mình những di tật do chiến tranh để lại nhưng cuộc đời đã cho chị một cái đầu sáng và rất nhanh nhẹn. Chị được ‘bố’ Quang tin tưởng giao việc quán xuyến, chăm sóc các anh chị khác trong cơ sở mỗi lúc ‘bố’ đi vắng. Chị Hiệp chính là một trong những người đầu tiên quyết tâm học cách làm các sản phẩm thủ công để dạy lại cho các thành viên trong cơ sở. Chị kể: ‘Học kết được các sản phẩm đã khó, nhưng để sản phẩm đó thật bắt mắt và ấn tượng thì càng khó hơn. Nhiều du khách khi tận mắt chứng kiến các sản phẩm do người khuyết tật của cơ sở làm đã không tin vào mắt mình’. Quả thật, để có được những thành quả đó là cả một quá trình chỉ dẫn, kiên trì và sự quyết tâm của cả tập thể. Ðiều ngạc nhiên là nhiều em ở trung tâm bị mù nhưng vẫn kết được những sản phẩm rất tinh xảo như hoa, túi xách, móc khóa… Nhìn những ngón tay của các em tỉ mỉ xâu từng hạt cườm mới thấy các em đã phải nỗ lực và quyết tâm như thế nào để sống được bằng chính lao động của mình và không trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội.
Thời gian đầu, cơ sở chủ trương mở rộng nghề may nhưng khi các em bắt đầu thuộc những đường kim mũi chỉ thì thị trường xảy ra khủng hoảng. Lượng hàng các em làm ra bán chậm nên cuộc sống càng thêm khó khăn. Trong nghị lực vượt khó, ‘bố’ Quang và những đứa con của mình đã chuyển sang hướng sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ với sản phẩm hoa, giỏ xách, vật trang trí được kết tinh tế từ các hạt cườm. Từ chỗ bán lẻ cho khách địa phương, đến nay, sản phẩm được kết tinh từ những đôi tay cần mẫn và kiên trì đã có mặt khắp nước theo những chuyến hành trình của đội văn nghệ. Mặc dù những đồng tiền các em kiếm được từ những sản phẩm do chính mình làm và những chuyến lưu diễn chưa đem lại cho các em một cuộc sống đầy đủ, nhưng điều đáng trân trọng nhất chính là dưới sự dìu dắt và dạy bảo của ‘bố’ Quang, các em đã sống bằng chính nghị lực của bản thân.
Thông tin liên hệ:
Địa chỉ: 220/9/27 XVNT, P.21 ,Q.Bình Thạnh,Tp HCM
Số điện thoại: 0937 022 431 hoặc 0987 539 100
SFC Charity